BÌNH LUẬN HƯƠNG ƯỚC THEO GIÁC ĐỘ LUẬT HỢP ĐỒNG - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

BÌNH LUẬN HƯƠNG ƯỚC THEO GIÁC ĐỘ LUẬT HỢP ĐỒNG - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

BÌNH LUẬN HƯƠNG ƯỚC THEO GIÁC ĐỘ LUẬT HỢP ĐỒNG - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

BÌNH LUẬN HƯƠNG ƯỚC THEO GIÁC ĐỘ LUẬT HỢP ĐỒNG - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

BÌNH LUẬN HƯƠNG ƯỚC THEO GIÁC ĐỘ LUẬT HỢP ĐỒNG - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN
BÌNH LUẬN HƯƠNG ƯỚC THEO GIÁC ĐỘ LUẬT HỢP ĐỒNG - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

Chi tiết

BÌNH LUẬN HƯƠNG ƯỚC THEO GIÁC ĐỘ LUẬT HỢP ĐỒNG

BÌNH LUẬN HƯƠNG ƯỚC THEO GIÁC ĐỘ LUẬT HỢP ĐỒNG

LS.THS. PHẠM QUANG HUY – Văn phòng Luật sư Hàn Sỹ Huy

1. Hương ước làng Việt

Làng là nơi dân cư ẩn mình đằng sau những lũy tre và truyền thống được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Thêm vào đó, làng ở miền Bắc Việt Nam thuộc về khu vực lãnh thổ đã bị quân xâm lược phong kiến phương Bắc đô hộ suốt hơn một ngàn năm trước đây.([1]) Trong kết cấu xã hội Việt Nam, làng đóng vai trò to lớn, đặc biệt trong quá trình hình thành nhận thức của mỗi người dân. Làng không chỉ đơn thuần là một đơn vị hành chính mà còn là sự cố kết cộng đồng đậm đặc của người Việt. Làng Việt cổ truyền “trong chừng mực là tế bào của xã hội”.([2])Trước đây, một thời làng, xã, thôn Việt Nam “sau khi được triều đình công nhận, mỗi xã thôn đều có tư cách pháp nhân và được coi như một tổ chức tự trị. Bởi vậy mỗi làng đều có một tên riêng, có công điền, công thổ và một cơ quan quản trị do người làng tự cắt đặt ra”.([3]) Vì lẽ là một tổ chức tự trị như vậy nên làng phải “đặt ra các khoán lệ để trừng phạt những người phạm đến quyền lợi chung của làng hoặc của cá nhân, lập ra hương ước để quy định hết thẩy tục lệ của làng cho mọi người biết mà tuân theo”.([4])

Nhà bác học Lê Quý Đôn, dẫn theo sách “Phù ông tạp kí” cho rằng âm tự “khoán ước” có từ thời Hán đến thời nhà Tống nhưng chỉ được coi là khế ước trong buôn bán.([5])Học giả Đào Duy Anh định nghĩa “hương ước là quy luật trong làng”.([6]) Theo Lệnh ban bố của vua Lê Thánh Tông ngày 20 tháng Tư năm Hồng Đức thứ 7, Điều 6 quy định: “Nhất cấm dân tục thiết lập tư ước”.([7]) Như vậy có thể thấy rằng, vào thời điểm trước năm 1471, tại cộng đồng làng xã Việt Nam đã tồn tại nhiều hình thức khác nhau của hương ước. Cũng trong Lệnh này, Vua Lê Thánh Tông viết: “Nếu làng xã nào có những tục khác lạ lập ra khoán ước và cấm lệ, ắt phải nhờ viên chức nho giả, người nào đứng tuổi, có đức hạnh ngay thẳng, mới có thể tuân hành. Khi đã lập ra khoán lệ rồi, phải trình lên quan chức, các nha môn xem xét rõ các điều lệ nên theo, sẽ phê chuẩn thừa hành. Nếu thấy trong khoán ước có điều thiên tư gian tà thì phê chữ “bác”, để cho khỏi sinh những gian mưu. Nếu người nào không dự vào việc lập ước ấy mà tụ họp riêng thì cho phép xã quan tố cáo lên nha môn để trị tội, để bỏ tệ tục, lấp hẳn sự cường hào tiếm đoạt. Các nhà chức trách không thể dung thứ”.([8])

 

Có thể khẳng định rằng, “hương ước, lệ làng là một trong những di sản văn hoá pháp lí đặc sắc của nhân dân Việt Nam”.([9]) Theo nghiên cứu của nhà dân tộc học Nguyễn Đức Từ Chi, bản hương ước cổ nhất được tìm thấy là “Mộ Trạch xã cựu khoán” – bản hương ước của làng Mộ Trạch xứ Hải Dương năm 1665. Bản cựu khoán này gồm 30 điều khoản, được sửa đổi, bổ sung 16 lần. Sau lần sửa đổi cuối cùng vào năm 1797 (sau 132 năm), bản cựu khoán này gồm có 82 điều.([10]) Nhà dân tộc học Từ Chi khẳng định: “Dù không phải là một bộ luật hoàn chỉnh, hương ước, với những điều quy định về một số nét sinh hoạt riêng biệt của làng xã vẫn đóng vai trò một cương lĩnh, có thể còn khá chung chung nhưng dù sao vẫn đáng được xem là một cương lĩnh về nếp sống hàng ngày của làng xã mà mọi cá nhân, mọi tổ chức trong làng, trong xã phải tuân thủ”.([11]) Tương tự, giới sử học cũng nhìn nhận: “Hương ước giống như bộ luật riêng (chưa hoàn chỉnh) của làng nhằm đảm bảo tính chất tự quản, tự trị có mức độ để duy trì trật tự và sự ổn định của làng xã trước mọi biến động xã hội”.([12])

2. Khái luận về hợp đồng và hợp đồng cộng đồng

2.1. Khái niệm hợp đồng

Đối với khái niệm hợp đồng, BLDS Pháp quy định: “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó một hoặc nhiều người cam kết với một hoặc nhiều người khác về việc chuyển giao một vật, làm hoặc không làm một công việc nào đó”.([13]) Trên cơ sở đó, các nhà luật học Pháp nhìn nhận hợp đồng là một hành vi pháp lí và là sự thoả thuận giữa các bên theo mô thức: ([14])

– Hành vi pháp lí: sự thể hiện ý chí làm phát sinh các hệ quả pháp lí;

– Tính chất hợp đồng: sự thống nhất ý chí giữa hai hay nhiều người;

– Mục đích của hợp đồng: mỗi bên theo đuổi những lợi ích riêng của mình. Hợp đồng là kết quả của sự dung hoà lợi ích đối lập nhau;

– Thoả thuận: sự thống nhất ý chí làm phát sinh các hệ quả pháp lí.

Trong án lệ của Pháp, toà án “coi khế ước như luật lệ([15]) và chỉ phán xét về ý chí của các bên kết ước thông qua lập luận rằng: “Trong một khế ước song phương, nếu ý chí chung của đôi bên kết ước không được minh bạch thể hiện trong văn tự, toà án có quyền giải thích và xác nhận tính chất thật sự của khế ước chiếu theo các sự kiện thực tế của hồ sơ. Toà án không bị bó buộc do các danh từ mà đôi bên đã dùng để mệnh danh khế ước”.([16])

Chịu ảnh hưởng của dân luật Pháp, các Bộ dân luật Bắc kì và Trung kì của Việt Nam định nghĩa: “Khế ước là một hợp ước của một người hay nhiều người cam đoan với một hay nhiều người khác để chuyển hữu, tác động hay bất tác động”.([17]) Cụ thể, Điều 680 Bộ dân luật Trung kì quy định: “Hiệp ước là một hay nhiều người đồng ý nhau để lập ra hay chuyển đi, đổi đi hay tiêu đi một quyền lợi thuộc về của cải hay về người. Khế ước là một hiệp ước của một người hay nhiều người cam đoan với một hay nhiều người khác để chuyển giao, để làm hay không làm cái gì”.([18]) Hơn nữa, chịu ảnh hưởng ở tư tưởng tự do ý chí trong kết ước của dân luật Pháp, Bộ dân luật Trung kì còn chỉ rõ: “Người lập ước được tự do giao ước nhau, miễn là đừng ước định điều gì trái với pháp luật, với phong hoá hay trật tự công chúng”.([19])

Trong khi đó, người Mỹ định nghĩa ngắn gọn hợp đồng (contract) là: “Một lời hứa có quy định biện pháp khắc phục (remedy); hoặc thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật công nhận; một giao dịch bao gồm 2 hay nhiều cá nhân có quyền đối ứng yêu cầu bên còn lại thực hiện lời hứa”.([20])

Các nhà nghiên cứu luật học người Mỹ cũng chỉ ra 6 thành tố của hợp đồng gồm:

– Đề nghị (giao kết hợp đồng): Đề nghị được thực hiện bởi một bên (bên đề nghị) cho một bên khác (bên được đề nghị) cho biết sẵn sàng tham gia vào hợp đồng

– Chấp thuận (đề nghị giao kết hợp đồng): Bên được đề nghị đồng ý bị ràng buộc bởi các điều khoản của đề nghị giao kết hợp đồng;

– Đồng thuận: Đề nghị và chấp thuận song hành để tạo ra sự đồng thuận hoặc “một cuộc họp của ý chí”. Sự đồng thuận có thể bị phá huỷ bởi gian lận, xuyên tạc, sai lầm, cưỡng ép hoặc ảnh hưởng không đáng có;

– Năng lực: pháp luật giả định mọi chủ thể tham gia hợp đồng đều có năng lực pháp lí. Tuy nhiên, trẻ vị thành niên thường được miễn trách nhiệm hợp đồng cũng như các cá nhân không đủ năng lực về tinh thần và bị ép dùng thuốc hoặc say;

– Sự xem xét và hứa hẹn (consideration): Sự xem xét và hứa hẹn là điều có giá trị hứa hẹn của một bên nhằm đổi lấy đối tượng khác có giá trị của bên còn lại trong hợp đồng. Sự trao đổi này ràng buộc các bên với nhau;

– Tính hợp pháp: Các bên không được phép tham gia hợp đồng liên quan đến thực hiện hành vi bất hợp pháp. Một số hợp đồng bất hợp pháp liên quan tới thoả thuận thực hiện tội phạm hoặc vi phạm dân sự, một số khác liên quan tới hành vi bất hợp pháp theo luật định.

Trong khi đó, BLDS năm 2005 quy định về khái niệm hợp đồng dân sự như sau: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (Điều 388). Bình luận về Điều 388 các nhà nghiên cứu cho rằng, về nguyên tắc chung, mọi thoả thuận nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự phải tuân theo các quy định chung về giao dịch dân sự và hợp đồng dân sự trong Bộ luật dân sự. Theo đó, hợp đồng dân sự được chia thành 02 nhóm: 1) Nhóm hợp đồng có đối tượng là tài sản; 2) Nhóm hợp đồng có đối tượng là công việc phải làm.([21]) Quan điểm này chú trọng tới đối tượng thực thi hợp đồng nhiều hơn là ý chí của người kết ước trong quá trình thương thảo, thực hiện hợp đồng. Xuất phát từ quan điểm chú trọng tới đối tượng kết ước này nên dẫn đến việc chú trọng tới “tính đủ điều kiện” của đối tượng chuyển nhượng trong giao dịch dân sự.([22])

Hiện nay, trên thực tế cũng như phương diện lí luận có sự nhầm lẫn khi coi trọng văn bản giấy của hợp đồng mà các bên kí kết hơn là bản chất thực tế của hợp đồng. Hợp đồng thể hiện bản chất của mình thông qua các thương thảo, biên bản ghi nhớ, thoả thuận bằng văn bản hoặc bằng miệng giữa các bên, các tờ trình, phê duyệt xin ý kiến cấp có thẩm quyền (nếu có, đối với pháp nhân) trong quá trình thương thảo hợp đồng. Chính vì sự coi trọng văn bản giấy kí kết hợp đồng nên trong nhiều trường hợp, chính người kết ước cũng không thực sự hiểu bản chất của hợp đồng. Việc hiểu không thấu đáo bản chất thực sự của hợp đồng dẫn đến thực thi không đúng hoặc không thực thi hợp đồng, từ đó dẫn đến các tranh chấp.

2.2. Khái niệm hợp đồng cộng đồng

Trong phân loại hợp đồng, hợp đồng cá nhân và hợp đồng cộng đồng còn được gọi là hợp đồng cá nhân và hợp đồng tập thể. Đối với cặp phân loại này, đôi khi có sự nhầm lẫn với hợp đồng có một người và hợp đồng có hai hay nhiều người.([23]) Trong khi đó, các nhà luật học người Pháp phân biệt cặp hợp đồng chủ thể đơn với hợp đồng chủ thể kép như sau: “Hợp đồng chủ thể đơn là hợp đồng mà trong đó mỗi bên chỉ bao gồm một cá nhân hay một tổ chức duy nhất; còn hợp đồng chủ thể kép là hợp đồng mỗi bên chủ thể bao gồm một nhóm cá nhân, tổ chức”; phân biệt giữa hợp đồng cá nhân với hợp đồng tập thể như sau: “Hợp đồng tập thể là loại hợp đồng được giao kết giữa nhiều cá nhân hay tổ chức, có hiệu lực áp dụng đối với tất cả các thành viên trong nhóm, cho dù từng thành viên này không giao kết trực tiếp hợp đồng, đôi khi còn có hiệu lực với cả những người không phải là thành viên trong nhóm (thoả ước lao động tâp thể)”.([24]) Các hợp đồng cộng đồng tiêu biểu như thoả ước lao động tập thể, hiệp thương giữa giới chủ và giới thợ; các hợp đồng trong pháp nhân (như nghị quyết đại hội đồng cổ đông của công ti cổ phần; nghị quyết của hội đồng thành viên của công ti trách nhiệm hữu hạn…) hoặc pháp nhân giao kết với người thứ ba; các nghị quyết của hội nghị chủ nợ…([25])

Khác với hợp đồng cá nhân (hợp đồng chủ thể đơn), hợp đồng cộng đồng (hợp đồng tập thể, hợp đồng chủ thể kép) có hơn một cá nhân, tổ chức tham gia giao kết trực tiếp hoặc không trực tiếp. Ví dụ rõ ràng nhất cho hợp đồng cộng đồng là thoả ước lao động tập thể (collective contract/collective bargaining). Theo đó, thoả ước lao động tập thể được định nghĩa là “thương thảo giữa công nhân với giới chủ về lương, thời gian và điều kiện làm việc”.([26]) Như vậy, chủ thể của hợp đồng cộng đồng là các bên tham gia thương thảo, đàm phán, thoả thuận và thống nhất các điều kiện và điều khoản của hợp đồng. Trong trường hợp thoả ước lao động tập thể, các bên ở đây gồm các công nhân, người lao động (ở Việt Nam, đại diện bởi công đoàn cơ sở; tại Mỹ, đại diện bởi nghiệp đoàn, công đoàn – trade union) và giới chủ (người sử dụng lao động). Soi chiếu vào các hương ước làng Việt, các bên của văn bản này là người dân xã, đại diện chính quyền trung ương (thông qua xác nhận vào văn bản hương ước), đại diện chính quyền địa phương (hương trưởng, lí trưởng, chánh tổng)…

Tương tự như các phân loại hợp đồng khác, hợp đồng cộng đồng gồm quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng, hiệu lực, trình tự giao kết gia nhập của hợp đồng. Dưới đây là một điều khoản về điền địa của hương ước làng Phúc Xá, tổng Phúc Lâm, huyện Hoàn Long, thành phố Hà Nội (lập ngày 15/3/1923):

“Mua bán điền thổ

Điều thứ 39 – Hội đồng trị sự làm ra một quyển công bạ biên những người mua bán công tư châu thổ cho phân minh, giao cho lí trưởng phung thủ, hễ người nào mua bán điền thổ phải trình lí trưởng xét biên số văn tự vào sổ công bạ, cứ một trăm phải nộp vào công quý 1,00$. Thủ quỹ biên lai, lí trưởng áp triện. Người mua công điền thổ, chỉ cố huỷ một năm cũng phải trình văn tự vào sổ công bạ như trên. Công điền nộp quỹ mỗi mẫu 0,50$, công thổ mỗi mẫu nộp 0,30$. Người nào không theo lệ nộp tiền vào sổ, ngày sau có việc lôi thôi, hội đồng không xét”.([27])

Nội dung của văn bản này áp dụng đối với người dân làng Phúc Xá và được người dân làng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc xây dựng văn bản và cam kết thực hiện thông qua các nghi lễ công bố hương ước và thực hiện trên thực tế.

Một ví dụ điển hình cho loại hình hợp đồng cộng đồng là thoả ước lao động tập thể. Bộ luật lao động Việt Nam năm 2012 (BLLĐ) dành riêng 01 mục tại Chương V “Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thoả ước lao động tập thể” để quy định về thoả ước lao động tập thể (từ Điều 73 đến Điều 82). Theo đó, “thoả ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể” (khoản 1 Điều 73 BLLĐ). Theo đó, về trình tự giao kết và gia nhập, BLLĐ quy định thoả ước lao động tập thể được kí kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động và phải có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp kí thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp và có trên 50% số đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp kí thoả ước lao động tập thể ngành (Điều 74 BLLĐ).

Ngoài các loại hợp đồng cộng đồng kể trên, học giả Vũ Văn Mẫu còn nhìn nhận một số loại hợp đồng cộng đồng do nhà làm luật áp đặt như trong trường hợp người thuê nhà được quyền lưu cư sau khi hợp đồng thuê nhà đã hết hay trường hợp trưng dụng các nhân viên của một tổ chức.([28])

Trong cuốn Hương ước Hà Nội (gồm 2 tập, 1.503 trang), tác giả Trương Sỹ Hùng đã biên dịch gần như đầy đủ các hương ước từ trước tới nay của Hà Nội. Trong tác phẩm này, tác giả cho biết cộng đồng dân xã, các bậc cao niên đã bàn bạc để dự thảo nên hương ước. Sau khi được nhuận sắc bởi các bậc túc nho của làng, hương ước được chuẩn thuận và trình lên chính quyền trung ương thông qua việc đệ trình hương ước và kí chỉ vào hương ước. Ví dụ, đối với hương ước làng Phúc Xá nêu trên, sau khi “làm tại làng Phúc Xá, ngày hôm mồng mười tháng hai Tây năm một nghìn chín trăm hai mươi ba”, đến ngày 14/3/1923, Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu đã kí chỉ.([29]) Về hình thức, sau khi đại diện chính quyền trung ương được đệ trình và không có phản đối, hương ước có hiệu lực.

3. Hương ước và hợp đồng cộng đồng

3.1. Hương ước

Khởi thuỷ, hương ước là lệ làng, luật làng, có tính cách ràng buộc đối với các cư dân của làng. Khi cùng chung tay kí kết hương ước, chức sắc và cư dân làng xã không nhất thiết cần nhận thức đây là một phân loại hợp đồng cộng đồng. Tuy nhiên, theo tác giả, hiệu lực, hình thức kí kết, nội dung và bản chất pháp lí ràng buộc các thành viên của làng đã cho thấy hương ước là một dạng hợp đồng cộng đồng. Trong bản kết ước cộng đồng ấy, theo những luật lệ ước định, được dân xã tuân theo. Khoán lệ làng Nghi Tàm nay thuộc quận Tây Hồ được mở đầu bằng câu: “Khoán lệ của một làng cũng như luật lệ của một nước”.([30]) Tương tự, trong lời tựa của hương tục điều lệ làng Tương Mai, tổng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông được mở đầu bằng câu: “Một làng lớn thì ví như một nước, nhỏ thì ví như một hội. Nếu muốn cho sự cai trị một nước, một làng, một hội cho có trật tự, công bằng thì một nước phải có luật lệ một nước, một hội phải có điều lệ một hội, thế thì một làng không có khoán ước của làng hay sao?”.([31]) Tuy nhiên, không vì lẽ ấy mà “lệ làng” được trái với “phép nước”. Ngược lại, lệ làng bổ sung phần khuyết thiếu cho phép nước như lời tựa hương ước làng Tây Mỗ đã viết: “Đối với làng tức là đối với nước, vì góp làng lại thành nước, làng là gốc nước, làng có hay thì nước mới thịnh vậy”.([32]) Đoạn mở đầu của hương ước làng Quỳnh Đôi có sử dụng từ hợp đồng để chỉ sự giao kết giữa quan chức chính quyền, người dân với người dân trong quá trình lập ước: “Năm thứ tư hiệu Dương Hoà (1636), ngày 20 tháng 8, quan Công bộ viên ngoại hợp đồng với làng thượng hạ để làm thêm khoán ước…”.([33]) Về mặt hiệu lực, hương ước có phạm vi áp dụng đối với toàn bộ làng, người dân làng. Về hình thức, hương ước thường được soạn thảo bởi các chức sắc trong làng, quan viên cấp trên hoặc người có chữ nghĩa trong làng.

3.2. Tương quan giữa hương ước và quy định pháp luật

Theo học giả Phan Kế Bính, “chốn hương thôn thường có ước hẹn riêng với nhau, lập ra sổ sách, đồng dân kí kết, gọi là hương ước. Trong khoán ước có thưởng có phạt, trừ ra các việc lớn đã có phép của nhà nước, còn việc nhỏ thì trong dân thôn thi hành với nhau”.([34])

Nội dung chính của khoán ước (hương ước), theo Phan Kế Bính, gồm có:

– Thưởng: những trường hợp được thưởng công. Ví dụ: trong làng có người bắt được kẻ trộm…

– Phạt: phạt kẻ say rượu nói càn, xâm phạm đánh người tôn trưởng…

– Chu tuất: khi có cướp đến pháp làng ăn cướp, tuần phu và dân làng ra tiếp cứu, ai bất hạnh bị thương thì dân làng đem về điều trị thuốc men cho, nếu bất hạnh bị chết thì dân làng làm ma, đồng dân đưa đón trọng vọng và cấp dưỡng cho vợ con mỗi tháng giăm ba đồng bạch hoặc thưởng cho con một tên nhiêu nam.

Phân biệt hương ước với tập quán và quy định của địa phương

 

Loại hình

Nội dung

Hương ước

Tập quán địa phương

Quy định địa phương

Đối tượng điều chỉnh

Cộng đồng dân xã tại địa phương

Cộng đồng dân xã tại địa phương

Cộng đồng dân xã tại địa phương

Phạm vi áp dụng

Áp dụng trong phạm vi làng

Không rõ, tuỳ địa phương

Đơn vị hành chính nhỏ nhất của chính quyền địa phương

Bản chất

Lệ làng

Tập tục, phương thức ứng xử lâu đời, thường về đạo đức

Phép nước

nhiêu nam.

– Tinh biểu: những trường hợp suy tôn người đã bỏ của, bỏ sức, để làm việc ích chung cho cả làng (ví như tu bổ chùa làng, xây cầu, đắp cống).

– Cấm lịnh: những trường hợp cấm đoán hoặc nhằm bảo vệ an ninh (ví như cấm chứa người lạ) hoặc nhằm bảo vệ đạo lí (ví dụ: cấm cờ bạc, trai gái).([35])

Về hình thức, “khoán ước định xong, dân làng kí kết, có nơi đem trình quan xin chữ phê để làm luật nhất định cho làng rồi giao cho một người thủ khoán giữ hoặc tả làm hai ba bổn, tiên chỉ và lí trưởng mỗi người giữ một bản nữa”.([36]) Như vậy, so sánh với quy định của địa phương thì “tuy được tự trị, song xóm thôn cũng phải tuân theo luật pháp của triều đình là luật pháp chung cho cả nước… Phép vua thua lệ làng chỉ có thể có được trong phạm vi sinh hoạt riêng của từng xã thôn”.([37])

Tổng kết lịch sử Việt Nam, học giả Trần Trọng Kim nhấn mạnh: “Có một điều thiết tưởng nên nhắc lại là ta nên giữ lấy những điều hay của ta vẫn có, bỏ những điều hủ bại đi và bắt chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân cách đặc biệt của dân tộc ta và cùng tiến với người mà không lẫn với người. Muốn được như thế, ta phải biết phân biệt cái hay cái dở, không ham muốn những cái huyền hão bề ngoài, rồi đồng tâm hiệp lực với nhau mà làm mọi việc cho thành cái hiệu quả mĩ mãn”.([38])Việc xây dựng hương ước cho “làng văn hoá”, “văn hoá nông thôn mới” phải trên cơ sở đi vào cuộc sống nông thôn, từ cuộc sống nông thôn mà thành. Nguyên tắc “tự do ý chí” thực sự là nòng cốt của mọi câu chuyện hợp đồng. Nếu thiếu cái nguyên lí muôn đời ấy, không hợp đồng cộng đồng nào, không hương ước nào có đời sống thực tế hiệu quả. Chỉ khi nào hương ước là tiếng nói của cộng đồng người dân xã nông thôn thì hương ước ấy mới tồn tại lâu bền. Bên cạnh đó, cần phát huy dân chủ trong việc xây dựng hương ước, tập hợp các cao niên, trí thức và mọi người dân làng xã góp ý cho hương ước. Khi nào người dân thấy rằng hương ước là sản phẩm của chính họ thì khi ấy hương ước mới phát huy tác dụng và đi vào cuộc sống./.

Chú thích:

([1]).Xem: John Kleinen, Làng Việt, đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ, Hội khoa học lịch sử và Nxb. Đà Nẵng, 2007, tr. 9.

([2]).Xem: Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. Nxb. Văn hoá dân tộc và Tạp chí văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, 2003. tr. 228.

([3]).Xem: Lương Đức Thiệp, Xã hội Việt Nam (Cuốn 1: Việt Nam tiến hoá sử; cuốn 2: Xã hội Việt Nam), Liên hiệp xuất bản, Sài Gòn, 1950, tr. 173.

([4]).Xem: Lê Quý Đôn, Tạ Quang Phát (dịch), Vân đài loại ngữ – tập 1 (Quyển 1, 2 và 3), Uỷ ban dịch thuật Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 175.

([5]).Xem: Lê Quý Đôn, Tạ Quang Phát (dịch), sđd, tr. 223.

([6]).Xem: Đào Duy Anh, Hán – Việt Từ điển, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, 1957, tr. 465.

([7]).Xem: Trương Sỹ Hùng, Hương ước Hà Nội (tập 1), Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2009, tr. 21.

([8]).Xem: Trương Sỹ Hùng, sđd, tr. 21.

([9]).Xem: Lê Đức Tiết, Về hương ước, lệ làng. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 7, 1998.

([10]).Xem: Bùi Xuân Đính, Lệ làng phép nước, Nxb. Pháp lí, Hà Nội, 1985, tr. 189-195.

([11]).Xem: Trần Từ, Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 103.

([12]).Xem: Vũ Duy Mền (chủ biên), Hoàng Minh Lợi, Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam với Luật làng Kanto Nhật Bản (thế kỉ XVII – XIX), Viện sử học, Hà Nội, 2001, tr. 6.

([13]).Xem: Nhà pháp luật Việt – Pháp, Bộ luật dân sự Pháp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr . 399 – 667.

([14]).Xem: Corinne Renault Brahinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 4.

([15]).Xem: Trần Thúc Linh, Danh từ pháp luật lược giải, Khai Trí, Sài Gòn, 1966, tr. 31.

([16]).Xem: Trần Thúc Linh, 1966, sđd, tr. 33.

([17]).Xem: Vũ Văn Mẫu, Lê Đình Chân, Lưu Văn Bình, Hồ Thới Sang, Tiểu từ điển luật – kinh tế, Đại học Luật khoa Sài Gòn xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr. 55.

([18]).Xem: Đại Nam Hoàng Đế, sđd, tr.186

([19]).Xem: Đại Nam Hoàng Đế, sđd, tr. 186.

([20]).Xem: Gifis, Steven.H, Dictionary of Legal Terms, Barron’s, New York, 2008. Pp 107.

([21]). Xem: Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình Luật dân sự Việt Nam (tập 2), Nxb. Giáo dục Việt Nam. Hà Nội, 2010, tr. 102.

([22]).Xem: Phạm Quang Huy, “Bình luận về hợp đồng chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 06, tháng 3/2014, tr. 29.

([23]).Xem: Ngô Huy Cương, Giáo trình luật hợp đồng – Phần chung (dùng cho đào tạo sau đại học), Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2013, tr. 214.

([24]).Xem: Corinne Renault Brahinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 26.

([25]). Xem: Ngô Huy Cương, sđd, tr. 215.

([26]). Nguồn: http://www.thefreedictionary.com/Collective+contracts, truy cập ngày 01/02/2016.

([27]).Xem: Trương Sỹ Hùng, sđd, tr. 194.

([28]).Xem: Vũ Văn Mẫu, 1963, sđd, tr. 71.

([29]).Xem: Trương Sỹ Hùng, sđd, tr. 204.

([30]).Xem: Lê Đức Tiết, sđd, tr. 45.

([31]).Xem: Lê Đức Tiết, sđd, tr. 45.

([32]).Xem: Lê Đức Tiết, sđd, tr. 47.

([33]).Xem: Lê Đức Tiết, sđd, tr. 263.

([34]).Xem: Phan Kế Bính, Bổ quốc sử: Việt Nam phong tục, Phong trào văn hoá xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 156.

([35]).Xem: Phan Kế Bính, sđd, tr. 156, 157.

([36]).Xem: Phan Kế Bính, sđd, tr. 157.

([37]).Xem: Lương Đức Thiệp, sđd, tr. 175.

([38]).Xem: Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, (In lần thứ tư), Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1951, tr. 574.

SOURCE: TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 4 (190), 4/2016

CHÂN THÀNH CẢM ƠN TÁC GIẢ ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT

trang web Chính phủ
đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh
Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Bộ tư pháp
cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia
backtop