kiến nghị về một vụ án - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

kiến nghị về một vụ án - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

kiến nghị về một vụ án - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

kiến nghị về một vụ án - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

kiến nghị về một vụ án - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN
kiến nghị về một vụ án - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

Chi tiết

kiến nghị về một vụ án

KIẾN NGHỊ

Đề nghị kháng nghị phúc thẩm vụ án Tô Thị Bình và đồng phạm

 “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

 

Kính gửi:     VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

 Tôi: luật sư Hà Ngọc Tuyền – Trưởng Văn phòng luật sư Hà Tuyền, Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh tham gia tố tụng bào chữa cho các bị cáo Tô Thị Bình và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh bị VKSND tỉnh Bình Định truy tố về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 18/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đồng thời tuyên phạt bị cáo Tô Thị Bình 12 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh 05 năm tù, buộc bồi thường cho công ty Minh Tâm số tiền chiếm đoạt là 3.228.417.000 đồng.

Chúng tôi bằng văn bản này xin được kiến nghị đến Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, áp dụng sai pháp luật, truy tố xét xử oan sai đối với các bị cáo Tô Thị Bình và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, cụ thể như sau:

TÓM TẮT HÀNH VI CỦA CÁC BỊ CÁO

Theo Kết luận điều tra 20/CSĐT-PC44 ngày 26/4/2017 của cơ quan CSĐT CA tỉnh Bình Định và Cáo trạng số 20/QĐ-KSĐT ngày 05/6/2017 của Viện Kiểm Sát Nhân dân tỉnh Bình Định, hành vi bị can Tô Thị Bình và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh như sau:

Công ty TNHH Hương Nhân là công ty gia đình, bị can Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đứng giám đốc đại diện pháp luật từ 02/02/2012 đến 30/09/2014 nhưng toàn bộ hoạt động kinh doanh đều do bị can Tô Thị Bình (mẹ ruột bị can Hạnh) điều hành và quyết định. Trong thời gian từ ngày 02/02/2012 đến ngày 26/6/2014, công ty đã làm ăn thua lỗ (năm 2013 tổng lợi nhuận kế toán trước thuế âm 2.540.955.698 đồng), phát sinh dư nợ phải trả 22.366.368.000 đồng trong đó dư nợ ngân hàng 09 tỉ đồng (thế chấp 02 lô đất, 01 xe ô tô, 01 nhà xưởng) và nợ do bà Bình huy động vay nóng (lãi suất từ 3-7,5%/tháng) của 07 cá nhân không có tài sản thế chấp 13.366.368.000 đồng; nợ do bà Bình huy động không tính lãi 754.807.000 đồng; nợ do mua sắn lát chưa thanh toán 390.000.000 đồng.

Trước ngày 26/6/2014 vài ngày, ông Nguyễn Văn Hưởng – giám đốc công ty TNHH TM Minh Tâm liên hệ gặp bà Bình đặt vấn đề mua 1.000 tấn ngô hạt với giá 5.450.000 đồng/tấn (chưa VAT) và ký Hợp đồng kinh tế số 062614/HĐKT/MTA-HNH ngày 26/6/2014 với công ty Hương Nhân.

Từ ngày 27/6/2014 đến ngày 08/7/2014, công ty Minh Tâm đã chuyển cho công ty Hương Nhân tổng số 5.400.000.000 đồng (chuyển 4,9 tỷ đồng vào tài khoản công ty và 500 triệu đồng vào tài khoản cá nhân bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh)

Sau khi nhận tiền, từ 27/6/2014 đến 18/7/2014 bà Bình yêu cầu bà Hạnh rút tiền chi trả tiền vay nóng cho 07 cá nhân 3.006.500.000 đồng; trả tiền mượn 05 cá nhân 382.500.000 đồng; trả tiền mua sắn lát 390.000.000 đồng; trả tiền mua thu gom ngô hạt cho 9 cá nhân 1.243.200.000 đồng; số còn lại 377.800.000 đồng sử dụng chi phí hoạt động công ty Hương Nhân (việc thu chi được ghi chép đầy đủ trong sổ thu chi của công ty Hương Nhân).

Sau ngày 18/7/2014, bà Bình chỉ đạo bà Hạnh vay thêm Ngân hàng Vietcombank CN Phú Tài 1.000.000.000 đồng; bán hàng nông sản thu 291.765.000 đồng; thu khác của công ty 45.000.000 đồng và bà Bình vay nóng thêm 404.500.000 đồng, tổng thu là 1.741.265.000 đồng. Số tiền này bà Bình sử dụng 954.456.000 đồng để mua ngô hạt, số còn lại 786.809.000 bà Bình chỉ đạo bà Hạnh sử dụng trả tiền vay nóng, mượn của các cá nhân, trả lãi vay ngân hàng và chi phí hoạt động của công ty.

Từ ngày 24/8/2014 đến ngày 04/9/2014, công ty Hương Nhân giao cho công ty Minh Tâm tổng cộng 402.145kg ngô hạt trị giá 2.171.583.000đ và xuất hóa đơn GTGT số 0000200 vào ngày 02/10/2014. Còn nợ lại số lượng ngô là 579.855kg, trị giá 3.228.417.000 đồng.

Do bị áp lực đòi nợ, tài sản không đủ điều kiện vay thêm ngân hàng và tiền nợ vay nóng trên 11 tỷ đồng nên không có tiền mua ngô giao thêm cho công ty Minh Tâm như cam kết, phía công ty Minh Tâm đòi nợ nên đã làm cam kết vào ngày 21/10/2014 xác nhận còn nợ công ty Minh Tâm số tiền 3.228.417.000 đồng và cam kết đến ngày 30/12/2014 trả đủ. Nhưng thực tế công ty Hương nhân không có tiền để trả như cam kết nên bà Bình và bà Hạnh trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho công ty Minh Tâm bằng các hành vi: từ cuối 2014 trả lại nhà thuê làm văn phòng công ty tại 120 Phạm Hồng Thái – Quy Nhơn chuyển đến nhà xưởng Lô B4 khu công nghiệp Phú Tài. Từ tháng 7/2015 đến 04/1/2017 thuê phòng trọ (03 nơi) ở Quy Nhơn để ở; cắt đứt mọi thông tin liên lạc với phía công ty Minh Tâm.

Cơ quan điều tra nhận định bị can Tô Thị Bình và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản hợp pháp của công dân Nguyễn Văn Hưởng gây thiệt hại tài chính cho bị hại với số tiền 3.228.417.000 đồng, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống gia đình của bị hại và hoạt động của công ty Minh Tâm do bị hại làm giám đốc. Cơ quan điều tra cho rằng bị can Bình trực tiếp quan hệ thỏa thuận nội dung hợp đồng kinh tế với ông Hưởng rồi chỉ đạo bị can Hạnh ký hợp đồng. Khi công ty Minh Tâm chuyển tiền thực hiện hợp đồng thì bị can Bình chỉ đạo cho Hạnh rút hết tiền, chỉ sử dụng một phần mua ngô giao cho công ty Minh Tâm, số còn lại chiếm đoạt trả các khoản nợ mà bị can đã vay nóng, mượn của 12 cá nhân trước đó với số tiền 3.389.000.000 đồng. Sau đó thay đổi nơi làm việc, nơi ở, cắt liên lạc trốn tránh việc trả nợ cho bị hại số tiền 3.228.417.000 đồng là hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bị can Bình là vai trò chủ mưu. Bị cáo Hạnh làm theo chỉ đạo của mẹ ruột là bị cáo Bình nên vai trò đồng phạm.

Đối với 12 cá nhân gồm: Trần Thị Hoạt, Nguyễn Thị Điệp, Nguyễn Minh Hóa, Võ Thị Thu Hồng, Nguyễn Thị Kim Thoa, Trương Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thị Phát, Tô Thị Kim Phượng, Nguyễn Xuân Ngọc, Nguyễn Thị Diễm Hương, bà Hạnh, bà Mười là những người cho bị can Bình vay, mượn tiền, họ không biết nguồn gốc số tiền bị can Bình trả cho họ là do phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của ông Hưởng mà có nên không có cơ sở xem xét xử lý hình sự đối với họ và cũng không có cơ sở để thu hồi.

QUAN ĐIỂM BUỘC TỘI CỦA KIỂM SÁT VIÊN VÀ HỘI ĐỒNG XÉT XỬ NHƯ SAU:

Tại phiên tòa, đại diện VKS trình bày luận tội đề nghị HĐXX căn cứ điểm a khoản 4 điều 140, điểm p K1 điều 46 BLHS 1999, công văn 276, nghị quyết 41/2017 hướng dẫn áp dụng trước một số tình tiết có lợi cho bị cáo quy định trong luật hình sự 2015, điều 175 BLHS 2015 tuyên bị cáo Bình mức án 13 -14 năm tù và tuyên bị cáo Hạnh mức án 3 - 4 năm tù với quan điểm buộc tội như sau:

          Bị cáo Tô Thị Bình không phải là người đại diện pháp luật của công ty Hương nhân nhưng đã điều hành hoạt động công ty, đứng ra đàm phán, giao dịch với ông Nguyễn Văn Hưởng là giám đốc đại diện công ty Minh Tâm rồi giao cho con là bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh ký hợp đồng bán 1.000 tấn ngô hạt. Sau khi nhận được số tiền 5,4 tỉ đồng của công ty Minh Tâm, bị cáo đã chỉ đạo bị cáo Hạnh rút tiền nhập quỹ tiền mặt và sử dụng để trả nợ vay các cá nhân, chỉ sử dụng một phần để mua ngô hạt, sau đó không có tiền mua ngô giao thì bỏ trốn, tránh mặt công Nguyễn Văn Hưởng để chiếm đoạt tiền không trả cho ông Hưởng.

Kiểm sát viên cho rằng khoản tiền 5,4 tỉ đồng theo hợp đồng kinh tế là tiền công ty Minh Tâm chuyển cho công ty Hương Nhân để mua ngô hạt, trong hợp đồng không có điều khoản nào cho phép bị cáo được sử dụng tiền này vào mục đích khác, do vậy bị cáo chỉ được giao quyền quản lý khoản tiền trên, không được quyền sử dụng và định đoạt nhưng bị cáo đã tự ý sử dụng và định đoạt (dùng vào mục đích khác) mà không có sự đồng ý cuả ông Nguyễn Văn Hưởng là chiếm đoạt tài sản. Sau khi cam kết nhiều lần về việc hoàn trả lại tiền, bị cáo không còn tiền để trả nên bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cắt đứt liên lạc với công ty Minh Tâm để chiếm đoạt không trả lại tiền cho công ty Minh Tâm.

Hội đồng xét xử thì cho rằng các bị cáo không có hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng việc ký kết hợp đồng mua bán ngô hạt, công ty Hương Nhân nhận được số tiền 5,4 tỷ đồng của công ty Minh Tâm giao để mua ngô hạt nhưng các bị cáo không sử dụng mua ngô hạt mà sử dụng vào việc trả nợ cá nhân, đây là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của công ty Minh Tâm. Từ đó tuyên các bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với mức án bị cáo Bình là 10 năm tù, bị cáo Hạnh 5 năm tù và buộc các bị cáo bồi thường công ty Minh Tâm số tiền đã chiếm đoạt.

Ý KIẾN CỦA LUẬT SƯ

Kính thưa quý Viện,

Tôi không đồng tình với quan điểm buộc tội của Cơ quan điều tra và quan điểm truy tố của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định.

Trước đây, ngay khi nhận được bản kết luận điều tra vụ án của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định, tôi đã gửi văn bản kiến nghị tới Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Định yêu cầu xem xét lại một số vấn đề về vi phạm tố tụng và sai lầm về đánh giá chứng dẫn đến kết luận và đề nghị truy tố oan sai, mang tính chất hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự để khởi tố, bắt giam các bị cáo. Tuy nhiên VKSND cấp sơ thẩm không có bất cứ văn bản nào trả lời nội dung kiến nghị này mà vẫn ban hành bản cáo trạng truy tố các bị cáo. Cụ thể:

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng: vật chứng vụ án là số tiền mà Cơ quan điều tra cho rằng bị cáo chiếm đoạt dùng để trả nợ các cá nhân. Kể từ khi vụ án hình sự được khởi tố (chưa xét đến vấn đề khởi tố đúng hay sai), số tiền mà cơ quan điều tra và VKS cho rằng các bị cáo đã chiếm đoạt của phía bị hại chính là tang vật, vật chứng của vụ án. Mặt khác, khi đã xác định được những người đang trực tiếp cất giữ mà theo quy định tại các Điều 64,74 BLTTHS Cơ quan điều tra phải thu hồi tang vật, vật chứng. Việc không thu hồi vật chứng này theo thông tư liên tịch số 01/2010 ngày 27 tháng 08 năm 2010  (Điều 1và 4) là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể những người đang cất giữ vật chứng cần phải thu hồi là:

Stt

Họ tên

Số tiền

 1

Trần Thị Hoạt

1.300.000.000đ

 2

Nguyễn Thị Điệp

795.000.000đ

 3

Nguyễn Minh Hóa

500.000.000đ

 4

Võ Thị Thu Hồng

24.000.000đ

 5

Nguyễn Thị Kim Thoa

100.000.000đ

 6

Trương Thị Ngọc Anh

213.000.000đ

 7

Nguyễn Thị Phát

74.500.000đ

 8

Tô Thị Kim Phượng

250.000.000đ

 9

Nguyễn Xuân Ngọc

105.000.000đ

10

Nguyễn Thị Diễm Hương

3.000.000đ

11

bà Hạnh

4.500.000đ

12

bà Mười

20.000.000đ

 

Tổng cộng:

3.389.000.000đ

          Các số liệu này đã được xác minh làm rõ là tiền của Công ty Minh Tâm chuyển cho công ty Minh Tâm và các bị cáo đã chuyển khoản, chuyển tiền mặt cho những cá nhân này, có chứng từ xác nhận của ngân hàng và sổ sát thu chi của công ty Hương nhân thể hiện, cũng như lời khai của những cá nhân này khai nhận đã nhận các khoản tiền trên.

Ngoài ra luật sư cũng kiến nghị đề nghị xem xét lại hành vi của bịc áo Tô Thị Bình không cấu thành tội phạm “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.  Tuy nhiên, Viện kiểm sát không hề có văn bản phản hồi lại kiến nghị của luật sư, thậm chí đến khi ban hành cáo trạng chuyển hồ sơ sang Tòa cũng không đưa văn bản kiến nghị của luật sư vào hồ sơ vụ án. Về phía các bị cáo yêu cầu viết khiếu nại thì cơ quan công an không cho, sau đó bị cáo Bình có được viết đơn nhưng cũng không được đưa vào hồ sơ vụ án. Đây cũng là vi phạm tố tụng được quy định tại điểm o Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2010

Tại phiên tòa, luật sư chúng tôi đã trình bày quan điểm là: các bị cáo không có ý thức chiếm đoạt, không không có hành vi chiếm đoạt, không cấu thành tội phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đây chỉ là vi phạm nghĩa vụ dân sự của pháp nhân công ty Hương Nhân theo hợp đồng đã ký kết với pháp nhân công ty Minh Tâm.

Bởi các lẽ sau:

1- Về mặt khách quan của tội phạm (hành vi khách quan):

Điều 140 Bộ luật hình sự quy định “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hặc đã bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a)     Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.

b)     Vay, mựợn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2....”

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản….

……

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Theo đó, để buộc một người có hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì Cơ quan điều tra, VKS phải chứng minh người đó thực hiện một trong ba hành vi:

+ Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản …,

+ Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản ….

+ Sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản….

Trong vụ án này, xác định các bị cáo là người đại diện, điều hành pháp nhân công ty Hương Nhân đã nhận khoản tiền 5,4 tỷ đồng của công ty Minh Tâm do ông Nguyễn Văn Hưởng đại diện pháp luật là đúng, ông Hưởng có đầy đủ chứng từ chuyển tiền, các bị cáo cũng nộp sổ sách thu chi để xác nhận việc có ký kết hợp đồng và có nhận tiền 5,4 tỉ đồng theo hợp đồng.

Nhưng các bị cáo có có chiếm đoạt khoản tiền này không? Tôi cho rằng các bị cáo không có hành vi nào thuộc một trong ba hành vi chiếm đoạt tài sản mà điều 140 Bộ luật hình sự quy định như nêu trên.

Chúng tôi xin phân tích cụ thể:

Thứ nhất, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt:

          Cần phải có 02 yếu tố: hành vi gian dối và chiếm đoạt

Bị cáo Bình  thỏa thuận về việc mua bán hàng hóa giữa 02 pháp nhân công ty Minh Tâm và công ty Hương Nhân là tự nguyện giao dịch, không có yếu tố gian dối, lừa dối và hai công ty bên ký hợp đồng kinh tế phù hợp với quy định của luật dân sự, luật thương mại. Bị cáo trình bày trước đó cũng đã có những hợp đồng giao dịch mua bán giữa hai công ty như trường hợp này chứ không phải đây là lần đâu tiên hai bên ký kết hợp đồng.

Bị can không có bất cứ hành vi nào được xem là dùng thủ đoạn gian dối và cũng không chiếm đoạt tài sản. Kết luận điều tra đã nhận định: công ty hoạt động thua lỗ, dư nợ lớn, chịu nhiều áp lực đòi nợ của những người cho vay nên bị can không còn tiền để thực hiện cam kết mua ngô giao cho công ty Minh Tâm theo hợp đồng đã ký kết, cũng như không còn tiền thực hiện cam kết trả lại cho ông Hưởng theo bản cam kết ngày 26/10/2014. Việc bị can không còn khả năng thực hiện tiếp hợp đồng chỉ là vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết, không thể xem đây là hành vi chiếm đoạt được.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử kết luận bị cáo sử dụng tiền của công ty Minh Tâm chuyển để mua ngô hạt theo hợp đồng nhưng đã sử dụng tiền vào mục đích khác là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, từ đó tuyên các bị cáo phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Việc bị cáo sử dụng tiền nhận của công ty Minh Tâm để bán ngô hạt và sử dụng để trả nợ các cá nhân cho công ty Hương Nhân vay tiền đã được chứng minh. Nhưng bị cáo Bình đã khai rất rõ rằng bị cáo xoay sở nguồn vốn lưu động, bị cáo chỉ sử dụng tạm tiền này để trả nợ đến hạn rồi xoay nguồn tiền khác để mua ngô giao cho công ty Minh Tâm. Thực tế bị cáo đã vay tiền ngân hàng và sử dụng mua ngô giao cho công ty Minh Tâm, chờ ngân hàng giải ngân cho vay thêm sẽ tiếp tục giao hàng nhưng do khách quan là các chủ nợ tung tin vỡ nợ và gây áp lực làm ngân hàng rút lui và không vay được tiền của ai nữa, từ đó không có khả năng mua hàng giao theo hợp đồng. Như vậy bị cáo không có ý thức chiếm đoạt, cũng không thể xem sử dụng tiền sai mục đích là gian dối.

Có hay không việc chiếm đoạt tài sản? Các khoản nợ của các cá nhân và ngân hàng đều là nợ của công ty TNHH MTV Hương Nhân, tồn tại số liệu cụ thể trên sổ sách của Công ty Hương Nhân, không phải là nợ của cá nhân các bị cáo. Cần phân biệt giữa pháp nhân công ty TNHH và cá nhân có vai trò, nghĩa vụ là khác nhau. Bị cáo không dùng tiền 5,4 tỉ đồng của công ty Minh Tâm chuyển để làm bất cứ việc gì cho cá nhân các bị cáo mà chỉ sử dụng tiền trong hoạt động công ty, giải quyết nợ nần của công ty Hương Nhân. Không thể xem đây là các bị cáo chiếm đoạt được. các bị cao không có chiếm đoạt khoản tiền này. Việc các bị cáo sử dụng tiền 5,4 tỉ đồng trả nợ về cả nội dung và bản chất đều là công việc điều hành hoạt động của pháp nhân công ty Hương Nhân, không phải mang tính chất hành vi cá nhân các bị cáo.

Thứ hai, hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản:

Bị can Bình hoàn toàn không có hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của công ty Minh Tâm.

Sau khi ký kết hợp đồng, nhận đủ tiền từ 08/7/2014, công ty Hương Nhân vẫn tiến hành thực hiện hợp đồng giao số hàng với tổng trị giá 2.171.583.000đ, sau đó vỡ nợ. Ngày 26/10/2014 bị cáo Bình và Hạnh vẫn gặp ông Hưởng để ký bản cam kết xác nhận tiền nợ và cam kết trả tiền.

Việc bị cáo trả lại nhà thuê làm văn phòng công ty tại 120 Phạm Hồng Thái – TP Quy Nhơn là không còn khả năng tài chính để thuê nhà, chuyển đến ở tại nhà xưởng Lô B4 - Khu công nghiệp Phú Tài thì ông Hưởng cũng biết rõ nơi hoạt động sản xuất này của công ty Hương Nhân. Do vậy, việc này không thể nào xem là “bỏ trốn”.

Từ tháng 7/2015 đến 04/01/2017 bị can thuê phòng trọ nhiều nơi tại Quy Nhơn để ở không phải là bị cáo bỏ trốn. Thực tế là bị cáo bị Ngân hàng Vietconbank chi nhánh Phú Tài cưỡng chế thu hồi tài sản là nhà xưởng đang thế chấp, việc cưỡng chế này được hỗ trợ bởi chính quyền địa phương (công an phường) đuổi gia đình bị cáo ra khỏi nơi ở cuối cùng là nhà xưởng tại khu công nghiệp Phú Tài nên bị cáo không còn chỗ ở nữa phải thuê nhà trọ để ở;

Trong suốt thời gian sau đó, một số chủ nợ khởi kiện tại Tòa án nhân dân Tp. Quy Nhơn, bị cáo Bình vẫn tham gia tố tụng theo triệu tập của Tòa án. Khi ông Hưởng tố cáo bị cáo Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan điều tra gởi giấy triệu tập bị cáo về nơi đăng ký thường trú, được người thân nhận và chuyển lại, bị cáo vẫn lên làm việc rất nhiều lần trước khi bắt bị can để tạm giam.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Hưởng khai bị cáo bỏ trốn, cắt liên lạc vì ông Hưởng nhiều lần gửi phiếu yêu cầu thanh toán công nợ không có hồi âm. Vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo không thông báo địa chỉ mới của công ty Hương Nhân cho ông Hưởng là bỏ trốn. Tuy nhiên, bị cáo Bình khai rõ rằng trong suốt thời gian sau khi bị ngân hàng đơn phương cưỡng chế đuổi khỏi nhà xưởng cho đến khi bị bắt, bị cáo không thay đổi số điện thoại, vẫn nói chuyện qua điện thoại với ông Hưởng và ông Hưởng thường xuyên đe dọa nếu không chuyển trả tiền sẽ tố cáo cho mẹ con bị cáo đi tù. Còn các giấy xác nhận công nợ ông Hưởng gửi vào địa chỉ công ty đã bị ngân hàng thu giữ thì thật ra các bị cáo không nhận được là điều đương nhiên. Vậy bị cáo bỏ trốn khi nào? Bỏ trốn thì tại sao Tòa án, Cơ quan điều tra vẫn triệu tập làm việc được?

Kết luận điều tra và Cáo Trạng cho rằng bị cáo vì không còn tài sản để thực hiện cam kết trả tiền lại cho công ty Minh Tâm, nên từ tháng 7/2015 đến tháng 9/2016 bị cáo Bình và Hạnh trốn tránh và liên tục thay đổi nơi ở không đăng ký tạm trú, không liên lạc và cũng không cung cấp địa chỉ chỗ ở mới cho công ty Minh Tâm là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Kết luận này không đúng với hành vi phạm tội quy định trong điều 140 bộ luật hình sự 1999 (điều 175 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).

Bộ luật hình sự quy định hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản mà nhận được trước đó mới là hành vi phạm tội. Nghĩa là việc bỏ trốn nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản mới là phạm tội. Còn trốn tránh chủ nợ do nợ nần thua lỗ, mất khả năng chi trả, do sợ bị hành hung … thì không phải hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thứ ba, bị cáo Bình không sử dụng tài sản của công ty Minh Tâm vào mục đích bất hợp pháp:

Bị can Bình khai rõ tại Cơ quan điều tra là nguồn tiền nhận từ công ty Minh Tâm nhập vào dòng tiền lưu động của công ty Hương Nhân, bị can sử dụng một phần để trả một số khoản nợ của công ty Hương Nhân, sau đó huy động nguồn tiền khác để mua ngô giao cho công ty Minh Tâm theo hợp đồng đã ký kết. Do các chủ nợ đồng loạt gây áp lực đòi nợ nên dẫn đến vỡ nợ, bị thu hồi hết các tài sản, không còn khả năng thực hiện hợp đồng. Việc dùng tiền trả nợ vay không phải là dùng vào mục đích bất hợp pháp.

2- Về mặt chủ quan của tội phạm:

Bị cáo Bình và Hạnh không có ý thức chiếm đoạt tài sản của công ty Minh Tâm.

Bị cáo Bình luôn khai rõ là không có ý thức chiếm đoạt tài sản mà do thua lỗ, vỡ nợ, không vay thêm được tiền ngân hàng nên tiếp tục thực hiện hợp đồng được. Điều này cũng thể hiện trong bản kết luận điều tra : “công ty hoạt động thua lỗ, dư nợ lớn, chịu nhiều áp lực đòi nợ của những người cho vay nên bị can không còn tiền để thực hiện cam kết mua ngô giao cho công ty Minh Tâm theo hợp đồng đã ký kết, cũng như không còn tiền thực hiện cam kết trả lại cho ông Hưởng theo bản cam kết ngày 26/10/2014.” Đây chỉ là vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, không có ý thức chiếm đoạt tài sản.

Tại bản báo cáo sơ kết (BL05-07), Cơ quan điều tra cũng đã nhận xét: “các chủ nợ cho vay nóng (bà Điệp, Hoạt) liên tục gây áp lực như: đến Công ty Hương Nhân, đến nơi tạm trú của bà Bình đòi trả hết nợ, bà Bình không có tiền trả dẫn đến bị xô xát, lôi kéo, đánh đập và bị tung tin vỡ nợ nên các chủ nợ khác kéo đến đòi nợ. Từ đó bà Bình không còn uy tín vay nóng để mua ngô giao cho công ty Minh Tâm như dự tính ban đầu là “tạm sử dụng nguồn tiền của công ty Minh Tâm trả nợ vay nóng bên ngoài, đảo nợ ngân hàng để lấy uy tín, sau đó vay lại mua ngô giao trả cho công ty Minh Tâm”…. Làm hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty Hương Nhân để xin tăng hạn mức tín dụng trên tài sản thế chấp để vay thêm tiền nhưng Ngân hàng biết công ty vỡ nợ nên không cho vay thêm. Phía công ty Minh Tâm liên tục đòi nợ, bà Bình dự định bán toàn bộ tài sản thế chấp để trả hết nợ ngân hàng, còn dư lại bao nhiêu sẽ trả lại cho công ty Minh Tâm…… thực tế tài sản thế chấp chỉ đủ để ngân hàng phát mãi thu hồi nợ….

 Như vậy, chúng tôi thấy rõ là các bị cáo không hề có ý thức chiếm đoạt tài sản của công ty Minh Tâm. Hoạt động thu chi là hoạt động tài chính của mỗi doanh nghiệp, các DN đều phải có kế hoạch tài chính cho hoạt động của mình. Công ty Hương Nhân do đang nợ số tiền lớn, trước khi nhận tiền của công ty Minh Tâm, công ty cũng luân chuyển nguồn vốn lưu động để duy trì hoạt động kinh doanh: vay ngân hàng, vay nóng bên ngoài , mua bán hàng hóa để trả nợ vay. Việc sử dụng tạm tiền của công ty Minh Tâm để trả nợ sau đó kế hoạch nâng vốn điều lệ, nâng hạn mức vay thêm ngân hàng, vay nóng thêm để mua hàng giao cho công ty Minh Tâm là một hình thức luân chuyển sử dụng nguồn vốn lưu động, là biện pháp giải quyết tình thế khi thiếu vốn. Các bị cáo không có ý thức chiếm đoạt mà như Cơ quan điều tra đã phân tích rõ, nguyên nhân là bà Điệp và bà Hoạt áp lực đòi nợ, xô xát đánh đập, tung tin vỡ nợ cho các chủ nợ khác và cho cả ngân hàng nên chặn hết đường xoay sở nguồn vốn của công ty Hương Nhân, dẫn đến vi phạm nghĩa vụ giao hàng (ngô hạt) cho công ty Minh Tâm theo hợp đồng đã ký kết.

Đây là nguyên nhân khách quan, không phải là do bị cáo tạo ra để chiếm đoạt tài sản. Ý thức bị cáo vẫn muốn duy trì hoạt động công ty để có lợi nhuận trả nợ cho các chủ nợ, việc vỡ nợ, bị thu hồi tài sản, thu hồi giấy phép đầu tư, tài sản bị phát mãi giá thấp là ngoài ý muốn của các bị cáo. Ngay cả khi công ty Hương Nhân của gia đình bị cáo bị ngân hàng đơn phương thu hồi tài sản, bán đấu giá để thu nợ cho ngân hàng, bị cáo cũng mong muốn tài sản phát mãi còn dư lại sẽ giao trả cho công ty Minh Tâm. Tuy nhiên, phía ngân hàng đơn phương tự định giá tài sản, tự bán đấu giá tài sản, việc bán đấu giá cũng chỉ có một người tham gia mua đấu giá bằng giá thẩm định, trong khi chủ tài sản tại thời điểm đó là công ty Hương Nhân lại không hề được mời tham dự, không biết việc bán tài sản như thế nào, bán được bao nhiêu. Điều này cũng chứng minh cho ý thức của bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tài sản của công ty Minh Tâm.

3- Về trách nhiệm bồi thường

Theo cáo trạng và đề nghị của Viện kiểm sát và Tuyên án của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm, kết tội các bị cáo chiếm đoạt số tiền hơn 3,2 tỉ đồng và buộc các bị cáo phải bồi thường.

Điều này thật vô lý bởi vì các bị cáo hoàn toàn không dùng bất cứ khoản tiền nào cho riêng các nhân mình, tiền của công ty Minh Tâm chuyển vào tài khoản của công ty Hương Nhân, được đưa vào quỹ tiền mặt của công ty, chỉ có 500.000.000đ chuyển vào tài khoản cá nhân của bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và bị cáo cũng rút tiền mặt nhaaph vào quỹ tiền mặt của công ty Hương Nhân. Sau đó, các bị cáo chi trả nợ của công ty Hương Nhân, số liệu ghi chép cụ thể trên sổ sách của công ty, rõ ràng nghĩa vụ trả tiền không phải là của cá nhân các bị cáo mà là nghĩa vụ của công ty Hương Nhân mà bị cáo đại diện. Pháp luật quy định cụ thể loại hình công ty TNHH thì các thành viên chỉ chịu trách nhiệm về tài sản trên số tiền đã góp vào công ty. Tư cách các bị cáo khi thực hiện việc trả nợ là các bị cáo đại diện cho pháp nhân công ty Hương Nhân, không phải là tư cách cá nhân bị cáo Bình hay bị cáo Hạnh. Vì vậy Tòa không thể buộc cá nhân các bị cáo phải bồi thường khoản tiền là nghĩa vụ của pháp nhân công ty Hương Nhân cũng như buộc bồi thường tiền mà các nhân các bị cáo không hề chiếm đoạt, không hề hưởng lợi cá nhân gì từ khoản tiền này.

Ngoài ra, trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát luôn cho rằng bị cáo nhận khoản tiền 5,4 tỉ đồng của công ty Minh Tâm giao để mua ngô hạt, các bị cáo chỉ có quyền quản lý, không có quyền định đoạt. Do đó sử dụng mà không xin ý kiến của công ty Minh Tâm là chiếm đoạt. Lập luận này của Viện kiểm sát là không có cơ sở, trái với quy định pháp luật dân sự về chuyển giao quyền sở hữu đối với tiền, cụ thể quyền sở hữu tài sản (tiền) trong trường hợp này đã xác lập kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, tức là 5,4 tỉ đồng đã thuộc quyền sở hữu của công ty Hương Nhân từ thời điểm tiền vào tài khoản của công ty Hương Nhân. 

Rõ ràng, các bị cáo hoàn toàn không có hành vi được quy định tại điều 140 BLHS, không có ý thức chiếm đoạt tài sản và cũng không chiếm đoạt tài sản. Ở đây chỉ là tranh chấp về kinh doanh thương mại giữa công ty Hương Nhân và công ty Minh Tâm: cụ thể là công ty Hương Nhân vi phạm nghĩa vụ giao hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết, sau đó cam kết trả tiền và lại tiếp tục vi phạm cam kết hoàn trả tiền cho công ty Minh Tâm. Cơ quan điều tra, VKS và Tòa sơ thẩm đã cố tình hình sự quá quan hệ kinh doanh thương mại để khởi tố, bắt tạm giam và truy tố xét xử oan sai dối với các bị cáo.

Cũng như nêu ở phần trên về vi phạm tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xác định các khoản tiền bị cáo nhận xong chuyển trả nợ cho các cá nhân là tiền chiếm đoạt nhưng cũng không có một phán quyết nào buộc các cá nhân này nộp lại tiền do các bị cáo phạm tội mà có, đó là tang vật trong vụ án mà đã được cơ quan điều tra xác định được rất cụ thể người đang cất giữ, chiếm giữ. Việc này Tòa án sơ thẩm cũng đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi bỏ qua vấn đề này.

KIẾN NGHỊ:

Trên cơ sở các vấn đề nêu trên, Văn phòng luật sư chúng tôi khẳng định rằng đây là vụ án oan  và sai mà cơ quan điều tra đã kết luận điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình định đã truy tố và Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã xét xử oan sai đối với các bị cáo Tô Thị Bình và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh.

Nay chúng tôi làm văn bản này kính đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là Cơ quan giám sát pháp luật có thẩm quyền xem xét toàn diện vụ án và thực hiện việc kháng nghị phúc thẩm đối với vụ án theo hướng xác định hành vi của các bị cáo Tô Thị Bình và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trân trọng kính chào và xin cảm ơn

    Văn phòng luật sư Hà Tuyền

 

trang web Chính phủ
đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh
Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Bộ tư pháp
cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia
backtop