Một số thiếu sót Kiểm sát viên cần chú ý khi giải quyết vụ án phạm tội “Cố ý gây thương tích” - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

Một số thiếu sót Kiểm sát viên cần chú ý khi giải quyết vụ án phạm tội “Cố ý gây thương tích” - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

Một số thiếu sót Kiểm sát viên cần chú ý khi giải quyết vụ án phạm tội “Cố ý gây thương tích” - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

Một số thiếu sót Kiểm sát viên cần chú ý khi giải quyết vụ án phạm tội “Cố ý gây thương tích” - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

Một số thiếu sót Kiểm sát viên cần chú ý khi giải quyết vụ án phạm tội “Cố ý gây thương tích” - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN
Một số thiếu sót Kiểm sát viên cần chú ý khi giải quyết vụ án phạm tội “Cố ý gây thương tích” - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

Chi tiết

Một số thiếu sót Kiểm sát viên cần chú ý khi giải quyết vụ án phạm tội “Cố ý gây thương tích”

Quá trình giải quyết vụ án phạm tội “Cố ý gây thương tích” do cấp sơ thẩm điều tra không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, dẫn đến phải tuyên hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

Nội dung vụ án: Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 74/2015/HSST ngày 23/10/2015 của Tòa án nhân dân huyện ĐH thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau: 

      Khoảng 05h ngày 22/5/2015, Hoàng Thị Ng. Tr từ nhà mẹ đẻ ở cùng thôn TĐ, xã ĐH, huyện ĐH, tỉnh TB về nhà, khi về đến cửa nhà thì Tr nhìn thấy trên mặt hố ga nhà mình có nhiều viên gạch vỡ, Tr cho rằng bà Vũ Thị X (sinh năm 1931) là hàng xóm cố ý xêp gạch lấn sang phần đất của gia đình mình, nên Tr nhặt ném ra đường giao thông, đúng lúc đó bà X đi ra cửa nhìn thấy liền chửi xúc phạm Tr, dẫn đến hai bên cãi nhau. Tr về nhà mình lấy búa đinh ra đập bờ mép hố ga nhà mình phần giáp với hố ga nhà bà X rồi bỏ đi chợ. Bà X tiếp tục đứng trước cửa nhà Tr chửi bới, đến khi Tr đi chợ về hai bên tiếp tục cãi chửi nhau, Tr dắt xe vào trong nhà thì bà X đi theo cầm gạch ném vào nhà Tr, Tr quay lại đi đến chỗ bà X đang bước vào nhà, tay phải Tr nắm cổ tay trái bà X đang vịn vào cánh cửa, tay trái Tr túm vai phải vừa đi vừa đẩy bà X ra ngoài đường liên xã cách mép hiên bậc lên xuống cửa nhà Tr khoảng một mét, sau đó Tr quay vào trong nhà, bà X bị mất đà ngã nghiêng phần mông bên trái xuống đường, bà X ngồi ở dưới lòng đường tiếp tục chửi và nhặt gạch vỡ ném về phía cửa nhà Tr. Sau đó, bà X được ông Hoàng Văn T đưa về nhà, sau đó được đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện ĐH và Bệnh viện đa khoa tỉnh TB từ ngày 22/5/2015 đến ngày 29/5/201 5 được xuất viện.

 Quá trình giải quyết vụ án:

       Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 82/TgT ngày 19/6/2015 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh TB khám, giám định thương tích cho bà Vũ Thị X (sinh năm 1932) trú tại xã ĐH, huyện ĐH, tỉnh TB kết luận: Đa chấn thương vùng lưng - vùng chậu hông do tác động vào vật tầy cứng (bị đẩy ngã) làm xẹp thân đốt sống L1.4, gãy ngành ngồi mu bên trái, đã được xử trí: Nẹp bất động bằng đai cột sống - uống thuốc kháng sinh - giảm đau; hiện tại còn đau âm ỉ vùng lưng, thắt lưng; vẫn đang mang nẹp cố định (đai cột sống). Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 37%.

      Bản án hình sự sơ thẩm số 74/2015/HSST ngày 23/10/2015 của Tòa án nhân dân huyện ĐH quyết định: 

 - Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Hoàng Thị Ng. Tr phạm tội cố ý gây thương tích.

 - Về hình phạt: Áp dụng khoản 3 Điều 104; khoản 2 Điều 46; Điều 33, Điều 45 BLHS xử phạt bị cáo Hoàng Thị Ng. Tr mức phạt là 05 năm tù.

 - Về trách nhiệm dân sự: Bản án hình sự sơ thẩm áp dụng Điều 604; 605; 609 và 617 Bộ luật Dân sự; Điều 42 Bộ luật Hình sự buộc Hoàng Thị Ng. Tr phải bồi thường thiệt hại cho bà Vũ Thị X với số tiền là 17.000.000 đồng.

      Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Tr làm đơn kháng cáo, kêu oan, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án tuyên hủy bản án sơ thẩm.

      Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nội dung kháng cáo, tiến hành xác minh bổ sung theo quy định, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh TB nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Vì vậy, tại phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh TB đã đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 2 Điều 248; khoản 1 Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự: Tuyên hủy Bản án sơ thẩm số 74/2015/HSST ngày 23/10/2015 của Tòa án nhân dân huyện ĐH, chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại.

      Bản án hình sự phúc thẩm số 04/2015/HSPT ngày 12/01/2016 Tòa án nhân dân tỉnh TB đã quyết định: Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 74/2015/HSST ngày 23/10/2015 của Tòa án nhân dân huyện ĐH. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐH để điều tra lại theo thủ tục chung.

      Thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm trong quá trình giải quyết vụ án:

      Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với vụ án phạm tội “Cố ý gây thương tích” nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh TB phát hiện một số thiếu sót mà các Kiểm sát viên chú ý, rút kinh nghiệm khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, nhằm tránh mắc phải vi phạm tương tự trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự tương tự ở cấp sơ thẩm dẫn đến phải tuyên hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung. Cụ thể như sau: 

      Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Hoàng Thị Ng. Tr vẫn khai như trong quá trình điều tra và như tại phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo Hoàng Thị Ng. Tr không nhận đã có hành vi dùng hai tay đẩy vào ngực bà Vũ Thị X, làm cho bà X ngã. Việc bà X ngã như thế nào thì bị cáo không biết. Bị cáo Tr đề nghị minh oan cho bị cáo. 

      Còn việc ông Hoàng Văn T khai nhìn thấy bị cáo Hoàng Thị Ng. Tr dùng hai tay đẩy vào ngực bà X làm cho bà X ngã là do anh T có quan hệ họ hàng với bà X, nên đã khai không đúng sự thật và anh T cũng là người nhờ ông Nguyễn Đức H (tức Trương Văn H) trú tại thôn ĐN, xã ĐĐ, huyện ĐH nhận làm chứng trong khi ông H không có mặt lúc xảy ra sự việc. 

      Nay bị cáo khẳng định bị cáo không đẩy bà X ngã, bà X ngã như thế nào bị cáo không biết.

       Xét đơn kháng cáo, đơn kêu cứu và lời khai của bị cáo Hoàng Thị Ng. Tr tại phiên tòa phúc thẩm là có căn cứ; bởi vì:

       Một là, trong Bản án sơ thẩm đã lấy lời khai của anh Hoàng Văn T trú tại thôn TĐ, xã ĐH, huyện ĐH và ông Nguyễn Đức H trú tại thôn ĐN, xã ĐĐ, huyện ĐH làm căn cứ buộc tội đối với bị cáo Tr, nay anh T lại bãi nại lời khai đó và khẳng định: Anh T không nhìn thấy bị cáo Tr dùng hai tay đẩy vào ngực bà X làm bà X ngã, đồng thời anh T còn khẳng định ông Nguyễn Đức H không có mặt tại hiện trường khi xảy ra vụ án.

       Xem xét đơn xin bãi nại lời khai trước đây tại Cơ quan điều tra của anh Hoàng Văn T là có cơ sở, vì tại Bút lục số 86, 87 bà Phạm Thị Nh trú tại thôn TĐ, xã ĐH, huyện ĐH khai: “Trong lúc tôi đang làm cỏ rau thì nghe thấy có mấy người đàn bà nói: “Ô sao đẩy nhau ngã ra đường” tôi ngẩng lên thấy đúng lúc ông T đi xe đạp từ trong làng ra, đi qua trước mặt tôi”.

       Lời khai của bà Nh thể hiện lúc bà X ngã ra đường rồi anh T mới có mặt tại hiện trường, do vậy, việc bãi nại lời khai của anh Hoàng Văn T là có căn cứ.

       Như vậy, lời khai của anh T và bà Nh có sự khác nhau về thời điểm chứng kiến sự việc, nhưng vấn đề thiếu sót ở đây là Cơ quan điều tra đã không cho hai người làm chứng đối chất để làm rõ xem anh T có mặt tại hiện trường lúc nào? Anh T có chứng kiến việc bị cáo Tr đẩy bà X ngã hay không? Tại phiên tòa, bà Nh cũng khẳng định ông Nguyễn Đức H không có mặt tại hiện trường lúc xảy ra vụ án.

      Hai là, lời khai của bà Hoàng Thị T và bà Quách Thị Nh đều trú tại thôn TĐ xã ĐH, huyện ĐH khẳng định: “Hai bà đi chợ về, bà Nh đi trước, bà T đi sau cách vài bước chân” nhưng hai lời khai về sự việc lại khác nhau về thời điểm bà X bị ngã.

      Bà T khai: Bà chứng kiến Tr dùng hai tay giằng co, xô đẩy với bà X, bà X lùi lại hai bước và bị ngã.

      Bà Nh khai: Khi tôi đến thì thấy bà X đã bị ngã.

     Như vậy, hai lời khai này có sự khác nhau về thời gian chứng kiến sự việc, trong khi hai người đi cùng nhau, nhưng Cơ quan điều tra đã không cho bà Nh và bà T đối chất để làm rõ lời khai nào có tính khách quan.

      Ba là, đối với lời khai của ông Nguyễn Đức H (tức Trương Văn H) là người làm chứng, xét thấy trong các tài liệu điều tra có tài liệu ghi ông H mang họ “Nguyễn”, có tài liệu ghi ông H mang họ “Trương”, nhưng Cơ quan điều tra đã không xác minh tính xác thực về họ của ông H, để xác định họ thật của ông H. Trong khi nhân thân người làm chứng không rõ ràng, song Tòa án cấp sơ thẩm vẫn dùng lời khai của ông H làm căn cứ buộc tội bị cáo Tr trong vụ án. 

      Tại phiên tòa phúc thẩm anh T khai: Ông H làm chứng là do ông Bùi Văn Nh, khoảng 70 tuổi ở thị trấn ĐH, huyện ĐH, tỉnh TB là cháu bà X đã nhờ ông H làm chứng giúp bà X, anh T khẳng định ông H không có mặt tại hiện trường lúc xảy ra vụ án, chỉ là người được nhờ làm chứng.

      Ngoài ra, trước khi mở phiên tòa phúc thẩm bị cáo Tr còn nộp cho Tòa án tỉnh TB: 01 USB có ghi âm giọng nói, theo bị cáo Tr khai cho rằng đó là giọng nói của anh T nói về việc làm chứng trong vụ án và trong USB cũng ghi hình ảnh của bà X. Những chứng cứ này chưa được kiểm chứng xem có phải giọng nói của anh T không? Nội dung anh Tuyến nói gì? Hình ảnh trong USB đó ghi thời điểm nào? Trong ảnh có phải bà X không? Hình ảnh đó có liên quan gì đến việc bào chữa cho bị cáo không? Tất cả những vấn đề trên chưa được làm rõ.

      Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh TB căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 248 và khoản 1, 5 Điều 250 Bộ luật TTHS quyết định: Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 74/2015/HSST ngày 23/10/2015 của Tòa án nhân dân huyện ĐH; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐH để điều tra lại theo thủ tục chung.   

     Một số vấn đề rút ra từ quá trình giải quyết vụ án mà các Kiểm sát viên cần chú ý khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử ở cấp sơ thẩm:

     Những thiếu sót nêu trên dẫn đến cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm nói chung, trong đó có trách nhiệm của Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án nói riêng chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chưa phát hiện được các mâu thuẫn trong hồ sơ để yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục, bổ sung kịp thời, nhất là trong quá trình kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên chưa bám sát quá trình điều tra của Điều tra viên để đề ra yêu cầu điều tra từ việc xác định mối quan hệ giữa nhân chứng với người bị hại đến việc đề nghị Cơ quan điều tra phải thực hiện việc đối chất lời khai của các nhân chứng cũng như kiểm tra kỹ những chứng cứ do bị cáo đưa ra được ghi âm, ghi hình lại.v.v.

      Từ những thiếu sót nêu trên cho thấy, mỗi Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự cần bám sát quá trình điều tra, nghiên cứu kỹ hồ sơ, phát hiện mâu thuẫn, đề ra yêu cầu điều tra, cần thiết đề nghị thực hiện việc đối chất lời khai của các nhân chứng cũng như kiểm tra kỹ những chứng cứ đưa ra là ghi âm, ghi hình..., tránh vụ án đưa ra xét xử sơ thẩm, sau đó bị cáo kháng cáo và bị cấp phúc thẩm xét xử hủy án để điều tra lại theo thủ tục chung, đồng thời cũng đảm bảo việc giải quyết vụ án được đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai./.

   Minh Anh (kiemsat.vn)

 

trang web Chính phủ
đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh
Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Bộ tư pháp
cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia
backtop