các dạng vi phạm dẫn đến bị hủy án (dân sự) - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

các dạng vi phạm dẫn đến bị hủy án (dân sự) - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

các dạng vi phạm dẫn đến bị hủy án (dân sự) - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

các dạng vi phạm dẫn đến bị hủy án (dân sự) - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

các dạng vi phạm dẫn đến bị hủy án (dân sự) - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN
các dạng vi phạm dẫn đến bị hủy án (dân sự) - VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÀ TUYỀN

Chi tiết

các dạng vi phạm dẫn đến bị hủy án (dân sự)

Việc nhận diện các dạng vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm dẫn đến bị cấp giám đốc thẩm, phúc thẩm xét xử hủy án, nhất là các dạng vi phạm mới phát sinh, để cán bộ, công chức, Kiểm sát viên cùng nghiên cứu, tham khảo, tích lũy kinh nghiệm là rất cần thiết, góp phần nâng cao kỹ năng kiểm sát, phát hiện vi phạm, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quyền yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị.

Qua các bản thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm của một số Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố (Gia Lai, An Giang, Khánh Hòa...) cho thấy, vẫn còn nhiều vụ án dân sự Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử, song vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tố tụng nên đã bị Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu cấp giám đốc thẩm, phúc thẩm hủy án sơ thẩm.

 Dưới đây, trang tin Kiemsat.vn xin tổng hợp một số dạng vi phạm điển hình để các Kiểm sát viên có thể nhận diện, nghiên cứu, tham khảo và chú ý khi thực hiện kiểm sát giải quyết án dân sự:

 Một là, không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ tham gia trong tố tụng dân sự hoặc không triệu tập người làm chứng đến phiên tòa để đảm bảo khách quan trong việc đánh giá chứng cứ:

 Đối với một vụ án dân sự, ngoài nguyên đơn, bị đơn, vụ án còn có thể có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia trong tố tụng dân sự. Ví dụ như trong vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất hoặc các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, trong đó đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, nhưng Tòa án không triệu tập các thành viên của hộ gia đình tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, dẫn đến việc giải quyết vụ án không được toàn diện, điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của thành viên hộ gia đình.

 Hoặc trong các vụ án về hôn nhân và gia đình có tranh chấp trong việc chia tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn hoặc sau khi ly hôn, thì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể là chủ nợ tài sản của vợ, chồng, có thể là người nợ tài sản của vợ, chồng hoặc là những người có liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản của vợ, chồng, song khi đương sự đã có yêu cầu đưa họ vào tham gia tố tụng nhưng Tòa án lại không đưa những người này vào tham gia tố tụng trong vụ án dân sự đó...

 Hai là, việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, không khách quan: Ví dụ như trong vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất, để xác định chính xác nguồn gốc đất tranh chấp làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án thì Tòa án cần thu thập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại cơ quan quản lý có thẩm quyền, nhưng trên thực tế, Tòa án đã không thu thập hồ sơ mà chỉ căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác minh, đánh giá chứng cứ, dẫn đến việc giải quyết vụ án chưa đảm bảo quyền lợi của đương sự. Hoặc việc đo đạc, xác định diện tích đất tranh chấp trong các vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án là chưa đầy đủ, cụ thể.

Ba là, Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, gây thiệt hại cho đương sự: Về nguyên tắc, Tòa án chỉ giải quyết khi có yêu cầu của đương sự, đồng thời khi đương sự có yêu cầu thì Tòa án phải giải quyết. Tuy nhiên, đối với yêu cầu tuyên bố hợp đồng hoặc giao dịch dân sự vô hiệu, nếu một hoặc các bên đương sự có yêu cầu giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu thì Tòa án phải giải quyết. Trường hợp Tòa án không xem xét, giải quyết là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

 Bốn là, vi phạm trong việc giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu: Theo quy định tại Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (nay là Điều 244 BLTTDS năm 2015) thì đương sự có quyền rút, thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình ngay tại phiên tòa sơ thẩm, tuy nhiên, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện không được vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu. Trường hợp việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu thì không được chấp nhận. Do đó, khi Kiểm sát viên tham gia kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm, nếu đương sự có yêu cầu thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện thì Kiểm sát viên cần xem xét yêu cầu đó của đương sự có vượt quá yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu phản tố ban đầu hay không, nếu vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2004 (nay là khoản 1 Điều 244 BLTTDS năm 2015) thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận. Trường hợp Hội đồng xét xử vẫn chấp nhận thì Kiểm sát viên cần kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện để thực hiện việc kháng nghị theo quy định, tránh để án bị cấp phúc thẩm hủy mà Viện kiểm sát cấp sơ thẩm không có kháng nghị.

 Năm là, vi phạm trong việc xác định thời hiệu khởi kiện, thể hiện như: Đối với tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố hợp đồng hoặc giao dịch dân sự vô hiệu thì cần xác định rõ hợp đồng hoặc giao dịch dân sự đó bị vô hiệu do vi phạm điều khoản nào của Bộ luật Dân sự, từ đó xác định sự việc đó có thuộc loại có xác định thời hiệu khởi kiện hay không theo quy định tại Điều 136 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 132 BLDS năm 2015). Trường hợp phát hiện Tòa án ra quyết định đình chỉ do xác định đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng thực chất vụ việc mà đương sự đang yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp không xác định thời hiệu khởi kiện thì Viện kiểm sát tiến hành kháng nghị đối với Quyết định đình chỉ.

 Sáu là, đối với Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, cần lưu ý trường hợp vụ án được cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết lại theo quyết định giám đốc thẩm xử hủy án sơ, phúc thẩm, giao cho cấp sơ thẩm giải quyết lại. Sau khi Tòa án sơ thẩm thụ lý lại, nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Tòa án chấp nhận việc rút đơn và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Đối với những vụ án này, các Kiểm sát viên cần chú ý nếu trường hợp Bản án sơ thẩm, phúc thẩm trước đây đã xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bản án đã được thi hành xong, nguyên đơn đã được thụ hưởng quyền lợi theo quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, nhưng sau đó Bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị cấp giám đốc thẩm hủy án. Do nguyên đơn đã nhận được tài sản thi hành án nên thông thường khi Tòa án thụ lý lại, họ tiến hành rút đơn khởi kiện. Thẩm phán thụ lý vụ án căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 của BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 (Điều 217 BLTTDS năm 2015) để đình chỉ giải quyết vụ án. Mặc dù việc rút đơn của nguyên đơn là tự nguyện nhưng việc đình chỉ giải quyết vụ án gây thiệt hại cho bị đơn.

 Vì vậy, trong trường hợp này cần thiết phải hỏi ý kiến của bị đơn (và người liên quan nếu có) để xác định họ có đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn hay không, nếu bị đơn không đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn thì Thẩm phán không được chấp nhận việc rút đơn và không được ra quyết định đình chỉ. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định đình chỉ trái với yêu cầu của bị đơn hoặc người liên quan thì cần xem xét kháng nghị hủy quyết định đình chỉ đó, nhằm đảm bảo quyền lợi của các đương sự trong vụ án. Đây là dạng vi phạm mới mà các Kiểm sát viên cần lưu ý khi thực hiện kiểm sát đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án./.

 Mai Khanh (kiemsat.vn)

trang web Chính phủ
đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh
Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Bộ tư pháp
cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia
backtop